Hòn đảo cô đơn

Hòn đảo cô đơn
Nguồn : http://www.divegizo.com

Thứ Ba, 1 tháng 4, 2014

Sự nổi lên của Đế quốc Mỹ


Một cường quốc đang nổi lên, 1877-1914 (P.1) 



Nguồn : http://spiderkien.wordpress.com/



“Chúa đã chọn người Mĩ làm quốc gia lãnh đạo trong công cuộc phục hưng thế giới. Đây là nhiệm vụ thiêng liêng của nước Mĩ, và nó giữ lại cho chúng ta tất cả lợi ích, tất cả vinh quang, tất cả hạnh phúc có thể có đối với con người”- Thượng nghị sĩ Albert J.Beveridge lập luận để bảo vệ cho việc Mĩ chiếm Philippines vào năm 1900.

Năm 1881, Anh Quốc đã phái một công sứ mới đến Washington. Ngài Lionel Sackville West là con trai của một bá tước và có quan hệ rộng nhưng lại chỉ được biết đến như là tình nhân của một vũ nữ Tây Ban Nha nổi tiếng. Những người bạn có ảnh hưởng của ông muốn đưa Lionel đến một nơi nào đó thoải mái nhưng an toàn. Bởi vậy họ đưa ông lên làm đại sứ Mĩ.
20 năm sau đó, một cuộc bổ nhiệm như vậy sẽ là thiếu suy nghĩ. Tất cả các cường quốc châu Âu đem đến Washington những đại sứ đầu bảng, và chắc chắn là họ đối xử với nước Mĩ như một cường quốc ngang hàng.
Vào thời của Ngài Lionel, Hợp chủng quốc Hoa Kì hiếm khi can dự vào những vấn đề của thế giới. Hải quân Mĩ xếp hạng 13 trên thế giới và chỉ là mối đe dọa chủ yếu đối với những thuyền viên trên những con tàu ọp ẹp của chính nó. Tuy nhiên, đến năm 1900, Mĩ bắt đầu thể hiện sức mạnh của mình. Nó đã đánh bại Tây Ban Nha trong một cuộc chiến tranh ngắn ngủi nhưng mang tính then chốt và giành được một đế chế trải dài từ Puerto Rico tới Philippines. Vị thế của Mĩ như một cường quốc hải quân đang lên đã trở nên rõ ràng, và tương tự là sự khẳng định lợi ích quốc gia đầy sức mạnh ở vùng Ca-ri-bê và Thái Bình Dương.
Châu Âu không thể chắc chắn về vai trò tương lai của Mĩ bởi Hợp chủng quốc Hoa Kì vẫn giữ chính sách truyền thống tránh những khối liên minh phức tạp. Nhưng những văn phòng đối ngoại trên khắp Lục địa rất coi trọng Mĩ và cẩn thận suy xét đường đi nước bước của Hoa Kì với tất cả các sự kiện.

NGUỒN GỐC CỦA SỰ BÀNH TRƯỚNG


 Với dân số 50 triệu người, Mĩ đã được xếp ngang với các cường quốc châu Âu vào năm 1880. Về sản xuất công nghiệp, quốc gia này xếp thứ hai chỉ sau Anh và đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách. Bất kì ai nghi ngờ sức mạnh quân sự của người Mĩ chỉ cần nhớ lại việc họ đã đánh nhau tàn bạo thế nào trong cuộc Nội Chiến. Những chiến dịch vĩ đại của Lee, Sherman, và Grant đã đi vào những sách giáo khoa quân sự và ảnh hưởng đến chiến lược quân sự ở khắp mọi nơi, mà bằng chứng là những hàng tuyến giao tranh và nạp đạn hàng loạt mà lính bộ binh Đức đã triển khai chống lại người Pháp trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870.
Và khi những lợi ích sống còn bị đe dọa thì Mĩ đã thể hiện mình không hề thiếu sức mạnh ngoại giao. Cuộc Nội Chiến đã khiến Mĩ mâu thuẫn với cả Pháp và Anh. Tranh chấp với Pháp bao gồm Mexico. Chính quyền do Pháp tài trợ dưới sự cầm quyền của Hoàng tử Áo Maximilian từ năm 1863 đã trở thành mối đe dọa cho an ninh của vùng Tây Nam nước Mĩ, nơi mà cuộc xâm chiếm năm 1848 vẫn khiến cho Mexico đau đớn. Khi cuộc Nội Chiến kết thúc, Mĩ đáp trả một cách mạnh mẽ. Năm 1867, binh lính Mĩ dưới quyền chỉ huy của tướng Philip Sheridan đã tràn qua biên giới, quân đội Pháp phải rút lui, bỏ mặc Maximilian với một đội lính Mexico.
Với nước Anh, vấn đề hóc búa bao gồm những tổn thất của Liên Bang gây ra bởi chiến hạm Alabama và những vụ cướp biển khác của phe Liên Minh xuất phát từ những hải cảng của Anh Quốc. Những hi vọng của Mĩ sẽ lấy được Canada như một khoản bồi thường đã tan thành mây khói khi Anh trao quyền tự trị cho Canada vào năm 1867. Nhưng 4 năm sau đó, sau những cuộc đàm phán kéo dài, Anh Quốc đã bày tỏ sự hối tiếc và đồng ý với phán quyết về những yêu sách Alabama, đem lại sự hài lòng cho Mĩ về vấn đề ngoại giao lớn cuối cùng của cuộc Nội chiến.
Ngoại giao trong Thời đại Mạ vàng
Trong những năm sau đó, Mĩ lại rơi vào tình trạng thiếu tích cực trong ngoại giao, không phải vì yếu kém mà vì thiếu một mục đích quốc gia rõ ràng trong những vấn đề quốc tế. Người Mĩ bị cuốn vào công cuộc xây dựng nền kinh tế công nghiệp quốc gia và hướng sự chú ý của họ vào trong nước. Và mặc dù cáp điện báo đã mang đến liên lạc quốc tế nhanh chóng cho đất nước từ sau những năm 1860, thì những đại dương rộng lớn vẫn còn khiến cho thế giới trở nên xa xôi.
Những vấn đề của châu Âu, chủ yếu xoay quanh cuộc cạnh tranh Pháp-Đức và tình trạng thù địch phức tạp ở Balkan, khó có thể khiến Mĩ chú ý. Ngoại trưởng Thomas F.Bayard băn khoăn: “Chúng ta không được phần nhỏ nhất hay lợi ích gì trong những vấn đề chính trị và những mưu đồ của châu Âu”.
Trong hoàn cảnh như vậy, tại sao phải duy trì lực lượng hải quân lớn? Sau cuộc Nội chiến, hạm đội hải quân dần dần suy giảm. Trong số 125 tàu trong danh sách hoạt động của hải quân, chỉ có khoảng 25 chiếc là có thể đi biển được mọi lúc, chủ yếu là những thuyền buồm và những tàu chiến nhỏ bọc sắt lạc hậu từ thời Nội chiến. Chính quyền dưới thời Tổng thống Chester A.Arthur (1881-1885) bắt đầu thực hiện một chương trình nâng cấp vừa phải, đặt làm những con tàu mới, nâng cao tiêu chuẩn các đoàn sĩ quan, và thành lập trường Đại học Hải chiến. Nhưng hạm đội vẫn giữ ở mức nhỏ và chủ yếu được điều động cho nhiệm vụ bảo vệ bờ biển.
Tương tự như vậy, Ngoại giao cũng ít được quan tâm. Việc bổ nhiệm các nhân viên ngoại giao chủ yếu thông qua hệ thống bổng lộc ( hệ thống mà Đảng chiến thắng trong bầu cử sẽ ban phát các chức vụ cho những người thân quen và những người ủng hộ). Các công sứ Mĩ và các viên chức lãnh sự quán có nhiều kẻ lười biếng và nghiện rượu bên cạnh những người chăm chỉ và có năng lực. Bộ Ngoại giao có xu hướng thiếu tích cực, ít kiểm soát chính sách hoặc nhiệm vụ của nó ở nước ngoài. Ở châu Á, châu Phi và những hòn đảo Thái Bình Dương, sự xuất hiện của người Mĩ chủ yếu là để truyền giáo. Nhiều người trong số đó là phụ nữ, trong một phiên bản toàn cầu của vai trò phụ nữ thúc đẩy tiến bộ xã hội ở trong nước.
Ở Ca-ri-bê, sự nhiệt tình của những người theo chủ nghĩa bành trướng trong thời kì Nội chiến đã lắng dịu. William H.Seward, ngoại trưởng dưới thời Lincoln và Andrew Johnson, đã từng mơ đến một đế chế Mĩ trải dài từ Ca-ri-bê tới Hawaii. Không kết quả nào đạt được từ những kế hoạch vĩ đại của ông hay từ những nỗ lực của Tổng thống Grant nhằm mua Santo Domingo (sau này là Cộng hòa Dominica) năm 1870. Mối quan tâm tới một kênh đào xuyên Trung Mĩ cũng trở nên mờ nhạt. Mặc dù tuyên bố độc quyền nhưng Mĩ vẫn khoanh tay đứng nhìn khi một công ty Pháp được lãnh đạo bởi người xây kênh đào Suez ở Ai Cập, Ferdinand de Lesseps, bắt đầu đào ngang qua eo Panama năm 1880. Dự án đó thất bại nhưng vì thiếu hụt tài chính chứ không phải do Mĩ ngăn cản.
Các hoạt động ngoại giao được đẩy mạnh khi James G.Blaine lên làm ngoại trưởng năm 1881. Ông can dự vào vụ tranh chấp biên giới giữa Mexico và Guatemala, cố gắng dàn xếp cuộc chiến do Chile phát động chống lại Peru và Bolivia, và kêu gọi hội nghị Liên châu Mĩ đầu tiên. Tuy nhiên những sự can thiệp vào Châu Mĩ Latinh của Blaine khiến tình hình trở nên xấu đi và người kế nhiệm ông đã phải hủy bỏ hội nghị Liên châu Mĩ. Đây là một ví dụ về đặc điểm ngoại giao trong Thời đại Mạ vàng, được vận hành chủ yếu bởi chính trị đảng phái và được đưa ra mà không có khái niệm rõ ràng về mục tiêu quốc gia.
Chủ nghĩa Liên châu Mĩ- khái niệm về một cộng đồng các quốc gia ở Tây Bán Cầu- tuy vậy đã hình thành và Blaine, quay trở lại năm 1889 trong lần thứ hai làm ngoại trưởng, đã phê chuẩn những kế hoạch của chính quyền Cleveland cho một hội nghị Liên châu Mĩ mới. Tuy nhiên kết quả đạt được rất hạn chế ngoại trừ việc một cơ quan ở Washington trở thành Liên hiệp Liên châu Mĩ. Bao nhiêu thiện chí Blaine giành được từ Nam Mỹ đã nhanh chóng tan biến khi Mĩ làm mất mặt Chile bởi một cuộc bao loạn chống lại các thủy thủ Mĩ ở Valparaiso năm 1891. Đứng trước nguy cơ chiến tranh, Chile đã xin lỗi và trả khoảng bồi thường 75.000 đô-la. Sau tất cả những lời hoa mĩ về một cộng đồng các quốc gia, Mĩ lại coi mình như một cường quốc thống trị Tây Bán Cầu và hành xử theo lối đó.
Ở Thái Bình Dương, mối quan tâm của Mĩ tập trung vào Hawaii, nơi mà cây mía đã thu hút nhiều điền chủ Mĩ. Trên danh nghĩa là một quốc gia độc lập, Hawaii thực chất chịu sự chi phối của Mĩ. Một hiệp ước năm 1875 cho phép đường Hawaii được miễn thuế nhập khẩu vào thị trường Mĩ và cảnh cáo các cường quốc khác. Hiệp ước thứ hai năm 1887 trao cho hải quân Mĩ quyền sử dụng Trân Châu Cảng.
Đồn điền mía, Hawaii

Hơn 300.000 người châu Á từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines đã tới làm việc trên những cánh đồng mía ở Hawaii từ 1850 đến 1920. Sự cực nhọc mà họ phải chịu đựng được thể hiện trong những bài ca lao động, ví dụ như bài hát sau đây của những người lao động Nhật Bản:
Nhưng khi đến đây thứ tôi thấy chỉ là Địa Ngục
Ông chủ nào có khác Sa Tăng
Và những tên đốc công là tay sai cho hắn.


Khi quyền ưu đãi tiếp cận với thị trường Mĩ của Hawaii bất ngờ bị bãi bỏ bởi Thuế McKinley năm 1890, các điền chủ đường bắt đầu âm mưu đưa người Mĩ lên thống lĩnh hòn đảo. Họ tổ chức một cuộc nổi dậy vào tháng 1 năm 1893 chống lại Nữ hoàng Liliuokalani và nhanh chóng thỏa thuận một hiệp ước sáp nhập. Trước khi Thượng viện có thể thông qua thì Cleveland trở lại làm Tổng thống và rút lại hiệp ước. Ông tuyên bố rằng việc sáp nhập Hawaii sẽ gây tổn hại đến “danh dự và đạo đức” của người Mĩ và “truyền thống bất khả xâm phạm” chống lại việc chiếm lãnh thổ cách xa bờ biển quốc gia.
Trong khi đó, sự hiện diện của người Mĩ ở những nơi khác trên Thái Bình Dương đang tăng lên. Năm 1867, Mĩ mua Alaska từ Đế quốc Nga với giá 7,2 triệu đôla. Đây là chủ ý từ Matxcơva, những người rất hào hứng muốn trút bỏ gánh nặng một khối tài sản không thể bảo vệ và tiêu tốn ngân sách. Ngoại trưởng Seward, một người theo chủ nghĩa bành trướng, vui vẻ giúp đỡ, mặc dù phải mất chút công sức để thuyết phục Quốc hội còn hồ nghi. Alaska không chỉ đem đến cho Mĩ một nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ mà còn cả sự hiện diện bất ngờ nối dài qua bắc Thái Bình Dương.
Xa về phía nam, ở quần đảo Samoa, Mĩ đã bảo vệ quyền năm 1878 đối với cảng lấy than cho những tàu hơi nước của nó tại cảng Pago Pago- một mắt xích then chốt trên tuyến đường biển tới Australia- và thiết lập một chế độ bảo hộ không chính thức tại đây. Năm 1889, sau một số cuộc tranh giành với Đức và Anh, sự kình địch ở Samoa chấm dứt bằng một nền bảo hộ tay ba với việc Mĩ vẫn duy trì được những quyền lợi của mình tại Pago Pago.
Ngoại giao của Mĩ trong những năm này được mô tả như một chuỗi những vụ việc chứ không phải là sự theo đuổi một chính sách đối ngoại. Nhiều điều đã xảy ra, nhưng ngắt quãng và không có nhận thức rõ ràng nào về những mục tiêu quốc gia. Điều này nhiều khả năng giống như chính trị gia người Anh James Bryce đã nhận định, là do Mĩ vẫn còn đang giong buồm “trên vùng biển mùa hè”. Những ngày biển động ở phía trước sẽ đòi hỏi một kiểu chính sách ngoại giao khác.
Nền kinh tế của chủ nghĩa bành trướng
“Chính sách cô lập hoạt động đủ tốt khi chúng ta còn là một quốc gia chưa phát triển”, thượng nghị sĩ Orville Platt của Connecticut nhận xét vào năm 1893. “Nhưng ngày nay mọi thứ đã rất khác… Chúng ta là đất nước 65 triệu dân và để đảm bảo sự thịnh vượng trong tương lai của chúng ta đòi hỏi phải từ bỏ học thuyết cô lập”. Thứ đặc biệt đòi hỏi người Mĩ phải nhìn ra bên ngoài là nền kinh tế khổng lồ của họ.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mĩ đã tăng gấp 4 lần từ năm 1870 đến 1900. Nhưng liệu nhu cầu của người Mĩ có đủ lớn để hấp thụ lượng sản phẩm đã tăng lên nhiều lần này? Trên 90% sản lượng được tiêu thụ trong nước. Mặc dù vậy, các thị trường nước ngoài vẫn mang ý nghĩa quan trọng. Khoảng một phần năm sản lượng nông nghiệp quốc gia được xuất khẩu, và khi công nghiệp phát triển, thì lượng xuất khẩu hàng chế tạo cũng tăng lên. Từ năm 1880 đến 1900, tỉ trọng xuất khẩu công nghiệp đã nhảy vọt từ 15% lên 30%.
Những doanh nghiệp Mĩ bắt đầu vươn ra nước ngoài. Từ năm 1868, Công ty sản xuất máy khâu Singer đã xây dựng nhà máy ở Glasgow, Scotland. Gã khổng lồ trong số những công ty Mĩ làm ăn tại nước ngoài là Standard Oil của tỉ phú Rockefeller, với những chi nhánh châu Âu tiếp thị dầu lửa trên khắp Châu lục. Tại châu Á, những chiếc hộp Standard Oil, được cải biến thành những hộp đựng và mái nhà, trở thành một dấu hiệu của sự thâm nhập thị trường của người Mĩ. Những tên thương hiệu như Kodak (máy ảnh), McCormick (thiết bị nông nghiệp) và Ford (Model T) trở thành những từ ngữ thông dụng trên khắp thế giới.
Ngoại thương quan trọng một phần bởi những nguyên nhân đến từ tài chính quốc tế. Là một nền kinh tế đang phát triển, Mĩ thu hút rất nhiều lượng vốn nước ngoài. Kết quả là một lượng lớn đôla chảy ra ngoài để trả lãi và cổ tức cho những nhà đầu tư ngoại quốc. Để cân bằng cán cân thanh toán, Mĩ cần phải xuất khẩu hàng hóa nhiều hơn lượng nó nhập vào. Trên thực tế, một cán cân xuất nhập khẩu thuận lợi đã đạt được vào năm 1876. Nhưng bởi sự phụ thuộc vào vốn nước ngoài, Mĩ buộc phải chú ý đến xuất khẩu.
Thậm chí quan trọng hơn là mối quan hệ mà nhiều người Mĩ nhận thức được giữa các thị trường nước ngoài và ổn định xã hội trong nước. Những thời kì khó khăn luôn châm ngòi cho những rối loạn về ruộng đất và xung đột lao động. Nhiều nhà quan sát đã cho rằng vấn đề là khả năng sản xuất của quốc gia đã vượt xa khả năng tiêu thụ của nó. Khi nền kinh tế phát triển chậm, sự sụt giảm về nhu cầu trong nước buộc giá nông sản đi xuống và gây ra những cuộc sa thải công nhân hàng loạt ở các nhà máy. Câu trả lời là phải đảm bảo luôn có đủ người mua cho những sản phẩm dư thừa của Mĩ, và ở đây có nghĩa là những người mua ở các thị trường nước ngoài.
Những mối lo ngại về thương mại quốc tế này có liên quan gì đến chính sách đối ngoại của Mĩ? Lượng lớn hàng xuất khẩu của Mĩ vào cuối thế kỉ 19- trên 80%- đi đến châu Âu và Canada. Ở những quốc gia này, hoạt động ngoại giao thông thường đủ để bảo vệ lợi ích kin tế quốc gia. Nhưng nếu những tay chơi quốc tế lớn như Standard Oil cần đến sự giúp đỡ thì nó cũng sẵn sàng đáp ứng. Rockefeller đã cảm ơn “những đại sứ, công sứ và lãnh sự đã hỗ trợ chúng tôi thâm nhập vào những thị trường mới ở những ngóc ngách tận cùng của thế giới”. Ở những nơi này- châu Á, Mĩ Latinh, và những khu vực khác mà người Mĩ coi là “sân sau”- cạnh tranh với những cường quốc công nghiệp khác đòi hỏi một chính sách can thiệp mạnh mẽ hơn.
Thương mại với châu Á và Mĩ Latinh đang phát triển- với trị giá 200 triệu đôla vào năm 1900- và những phần của nó, ví dụ như thị trường Trung Quốc cho hàng dệt may của Mĩ, có ý nghĩa quan trọng đối với những ngành công nghiệp cụ thể. Tuy vậy, tính chất quan trọng của những thị trường ngoài phương Tây này không thực sự nằm ở giá trị hiện tại mà là sự hứa hẹn trong tương lai. Đặc biệt Trung Quốc đã tạo ra một sức lôi cuốn mạnh mẽ lên trí tưởng tượng của nền thương mại Mĩ. Rất nhiều nhà sản xuất tin rằng giao thương với Trung Quốc mặc dù còn nhỏ bé nhưng sẽ đến một ngày trở thành chìa khóa cho sự thịnh vượng của Mĩ. Do đó, Trung Quốc và những thị trường tiềm năng khác không được phép đóng cửa với Mĩ.
Vào giữa những năm 1880, nhịp độ phát triển của chủ nghĩa đế quốc châu Âu được nâng lên. Sau Hội nghị Berlin năm 1884, các cường quốc châu Âu nhanh chóng xâu xé châu Phi. Trong nỗ lực hiện đại hóa, Nhật Bản đã chuyển mình thành một cường quốc lớn và thách thức chủ quyền của Trung Hoa đối với Triều Tiên. Trong cuộc Chiến tranh Trung-Nhật (1894-1895), chiến thắng dễ dàng của Nhật Bản đã châm ngòi cho cuộc tranh giành giữa các Cường quốc, bao gồm cả Nga, phân chia Trung Quốc thành những vùng chịu ảnh hưởng.
Trên tất cả là cuộc Hoảng loạn năm 1893, gây ra những cuộc đình công và biểu tình mà Ngoại trưởng Walter Q.Gresham dưới thời Cleveland giống như nhiều người Mĩ khác, cho rằng đó là “những dấu hiệu của một cuộc cách mạng”. Với sự ổn định xã hội dường như đang trong vòng nguy hiểm, việc bảo vệ những thị trường ở Mĩ Latinh và châu Á trở thành một vấn đề cấp thiết.
Sự hình thành của một chính sách đối ngoại lớn
“Dù có sẵn sàng hay chưa thì người Mĩ giờ đây phải bắt đầu nhìn ra bên ngoài. Sự phát triển sản xuất của đất nước đòi hỏi điều đó”. Thượng úy hải quân Alfred T.Mahan đã bày tỏ ý kiến mà nhiều người đang ấp ủ vào năm 1890. Thứ của riêng ông được thêm vào là chiến lược bành trướng của Mĩ. Mahan là một sĩ quan hải quân trong thời kì mà hải quân không phải là chỗ cho một chàng trai trẻ tham vọng. Được phân vào một chiếc tàu chiến cũ tuần tra ở Mĩ Latinh, ông đã dành thời gian rảnh đọc lịch sử. Trong một thư viện ở Lima, Peru, ông đã nảy ra ý tưởng rằng những đế chế lớn- Rome thời cổ đại và Anh Quốc trong thời đại của ông- đã thâu tóm được quyền lực từ việc kiểm soát biển cả. Quan niệm này đã trở thành nền tảng cho cuốn “Ảnh hưởng của Quyền lực Biển trong Lịch sử”(1890), cuốn sách nổi tiếng đã hình thành nên tư duy chiến lược cho nước Mĩ về vai trò của nó trong thế giới.
Mahan cho rằng Mĩ không nên coi những đại dương là rào chắn mà là “một con đường cao tốc vĩ đại mà con người có thể đi theo mọi hướng”. Băng qua con đường cao tốc ấy đòi hỏi một đội tàu buôn mạnh mẽ, một lực lượng hải quân hùng mạnh để bảo vệ thương mại Hoa Kì, và những căn cứ ở nước ngoài. Mahan cảnh báo rằng nếu không có những trạm tiếp than thì những chiếc tàu chiến hơi nước sẽ giống như “những chú chim đất không thể bay xa khỏi bờ biển của nó”.
Mahan ủng hộ một kênh đào ngang qua Trung Mĩ cho phép phía đông Hoa Kì “cạnh tranh với châu Âu ở những thị trường Đông Á với khoảng cách tương đương”. Những cửa ngõ của kênh đào sẽ cần được canh gác bởi những căn cứ trên Biển Ca-ri-bê. Hawaii sẽ phải bị sáp nhập để mở rộng sức mạnh của Mĩ tới Thái Bình Dương. Điều Mahan hình dung không phải là chế độ cai trị thực dân mà là kiểm soát những vị trí chiến lược để bảo vệ những lợi ích thương mại của Mĩ.
Mahan đề xuất xây dựng một hạm đội tàu chiến có khả năng tấn công bất kì nơi nào trên thế giới. Năm 1890, Quốc hội đã dành riêng một ngân quĩ cho 3 chiếc tàu chiến như khoản trả góp đầu tiên cho lực lượng hải quân chiến đấu trên hai đại dương. “Tàu chiến có thể đắt nhưng nó là khoản phí mà Mĩ phải chi trả để bảo hiểm cho tài sản và những ngành công nghiệp đang phát triển của nó”, bộ trưởng hải quân Benjamin F.Tracy nhận định.
Chính quyền Cleveland bằng việc từ bỏ âm mưu sáp nhập Hawaii của Harrison đã cho thấy uy tín chống bành trướng của mình. Nhưng sau một chút lưỡng lự, Cleveland đã tiếp tục chương trình hải quân của người tiền nhiệm Đảng Cộng Hòa, gây sức ép buộc Quốc hội cho phép sắm thêm tàu chiến (5 chiếc đã được cho phép) và đưa ra lập luận tương tự. Sức sống của thương mại quốc gia -“tự do tiếp cận tất cả các thị trường”, theo lời ngoại trưởng thứ hai của Cleveland, Richard Olney- phụ thuộc vào sức mạnh hải quân của nó.
Mặc dù phủ nhận những khía cạnh về lãnh thổ trong tư tưởng của Mahan, Cleveland đã tiếp thu những luận điểm chiến lược ẩn trong đó. Điều này giải thích cho cuộc khủng hoảng bỗng nhiên nổ ra ở Venezuela năm 1895.
Trong nhiều năm, một cuộc tranh chấp biên giới đã sục sôi giữa Venezuela và Guiana thuộc Anh. Giờ đây Mĩ yêu cầu tranh chấp này phải được giải quyết. Các cường quốc châu Âu đã xâu xé châu Phi và châu Á. Làm sao Mĩ có thể chắc chắn rằng châu Âu sẽ không làm như vậy đối với Mĩ Latinh? Ngoại trưởng Olney đã nêu lên quan điểm đó trong một bản công hàm giận dữ gửi đến Luân Đôn vào ngày 25/7/1895, cương quyết yêu cầu Anh chấp nhận sự phân xử hoặc sẽ phải đối mặt với những hậu quả. Viện dẫn Học thuyết Monroe, Olney cảnh báo rằng Mĩ sẽ không cho phép bất cứ sự thách thức nào đối với lợi ích sống còn của nó ở Ca-ri-bê. Những lợi ích sống còn này là của Mĩ, không phải của Venezuela; Venezuela không được hỏi ý kiến trong suốt quá trình tranh chấp.
Khi Anh Quốc nhận ra rằng Cleveland muốn nói đến việc kinh doanh, họ lùi bước và đồng ý với phán quyết về tranh chấp biên giới. Sau đó, Olney đã hài lòng nhận định rằng, là một nước công nghiệp lớn, Hoa Kì cần phải “chấp nhận vị trí lãnh đạo” và giành lấy chỗ đứng của mình “giữa những Cường quốc trên thế giới”. Những nước khác sẽ phải thỏa mãn nhu cầu của Mĩ được tiếp cận với “nhiều thị trường hơn và những thị trường lớn hơn cho tiêu thụ và những sản phẩm công nghiệp và sáng chế thiên tài của người Mĩ”.
Hệ tư tưởng Bành trướng
Khi những nhà hoạch định chính sách bắt tay vào xây dựng một chính sách đối ngoại mới thì một hệ tư tưởng bền vững dần hình thành. Một nguồn của triết lí bành trướng là học thuyết xã hội Darwin đang chi phối tư tưởng chính trị trong thời kì này. Nếu như động vật và thực vật đã tiến hóa nhờ sự sống sót của những cá thể phù hợp nhất như Charles Darwin đã chứng minh, thì theo lí thuyết này các quốc gia cũng vậy. “Không có thứ gì dưới ánh mặt trời là không thay đổi”, nhà lí thuyết xã hội Brooks Adams cảnh báo trong cuốn “Quy luật của nền văn minh và suy tàn”(1895). “Không tiến lên tức là thụt lùi”. Bởi vậy, nước Mĩ không có sự lựa chọn nào khác; nếu muốn tồn tại, nó phải bành trướng.
Kết nối với Chủ nghĩa xã hội Darwin là niềm tin vào sự ưu việt của “chủng tộc” Anglo-Saxon. Vào cuối thế kỉ 19, Anh Quốc đã tắm mình trong thiên đường của chính thể đại nghị, sự thịnh vượng nhờ công nghiệp, và một đế chế rộng bao la- tất cả đều được gán cho sự ưu việt về chủng tộc của người Anh và mở rộng ra là người Mĩ anh em. Ở cả hai bờ Đại Tây Dương, chủ nghĩa Anglo-Saxon đều đang thịnh hành. Do đó, John Fiske, nhà triết học và sử học người Mĩ, đã thuyết giảng cho quốc gia về những trách nhiệm của nó trong tương lai: “Công việc mà chủng tộc Anh bắt đầu khi nó đưa Bắc Mĩ làm thuộc địa đã được định mệnh sắp đặt để tiếp diễn cho đến khi tất cả mọi vùng đất trên Trái đất chưa có văn minh sẽ trở thành Anh Quốc trong ngôn ngữ, trong tôn giáo, trong thói quen chính trị, và trong dòng máu của con người”.
Fiske đặt tên cho bài diễn thuyết của mình là “Vận mệnh hiển nhiên” (Manifest Destiny). Nửa thế kỉ trước đó, thuật ngữ này đã biểu lộ ý nghĩa của sứ mệnh quốc gia- “vận mệnh hiển nhiên” của nước Mĩ- để gạt người Mĩ bản xứ ra một bên và chiếm lấy lục địa. Trong cuốn sách nổi tiếng “Chiến thắng của miền Tây”(1896), Theodore Roosevelt đã so sánh giữa chủ nghĩa bành trướng trong thời đại của ông với cuộc tấn công những người da đỏ. Đối với Roosevelt, điều xảy ra với những dân tộc lạc hậu không quan trọng lắm bởi cuộc chinh phạt là “vì lợi ích của sự văn minh và lợi ích chung của nhân loại”. Tuy vậy, còn hơn cả những so sánh lịch sử là sự kết nối giữa “Vận mệnh hiển nhiên” trong quá khứ và hiện tại.
Năm 1890, Cục điều tra dân số đã báo cáo về sự kết thúc của phong trào hướng tây trong lục địa: Không vùng đất chưa bị chinh phục nào còn tồn tại. Tác động tâm lí của thông tin này rất sây sắc, làm sinh ra một cách giải thích lịch sử mới nhìn nhận biên giới như một thứ rèn giũa nên tính cách của quốc gia. Trong một bài luận mang tính bước ngoặt tạo nên luận đề này, “Tầm quan trọng của Biên giới trong Lịch sử nước Mĩ”(1893), nhà sử học trẻ Frederick Jackson Turner đã đưa ra mối quan hệ giữa việc khép lại biên giới và bành trướng ra bên ngoài. “Ai nói rằng tính cách bành trướng của người Mĩ giờ đây sẽ hoàn toàn ngừng lại sẽ là một nhà tiên tri hấp tấp”, Turner viết. “Di chuyển đã trở thành một yếu tố chi phối và trừ khi cuộc luyện tập này không ảnh hưởng gì đến con người thì năng lượng của người Mĩ sẽ còn tiếp tục đòi hỏi một sân chơi rộng lớn hơn cho việc tập luyện của họ”. Và như Turner đã tiên đoán, “Vận mệnh hiển nhiên” đã quay hướng ra bên ngoài.
Bởi vậy, một dòng tư tưởng mạnh mẽ, có nguồn gốc sâu xa từ kinh nghiệm và tập quán của người Mĩ, đã hình thành nên chính sách ngoại giao mới theo chủ nghĩa bành trướng. Nước Mĩ đang háo hức để bước lên vũ đài thế giới. Tất cả những gì nó cần chỉ là một cơ hội thích hợp.
(Còn tiếp)
( Người dịch: Đào Huy Kiên, dịch từ “America, a concise history”- James A.Henretta & David Brody )










ĐẾ QUỐC MĨ

 Vào đầu thế kỉ 19, khi những thuộc địa châu Mĩ khác của Tây Ban Nha đã giành được độc lập thì Cuba vẫn còn là thuộc địa. Mong mỏi được theo chân những người anh em trong lục địa, người Cuba đã liên tục nổi dậy chống ách cai trị của người Tây Ban Nha, gần nhất là trong những năm cuối thập kỉ 1860. Vào tháng 2 năm 1895, được truyền cảm hứng từ nhà thơ José Martí, những người yêu nước Cuba đã nổi dậy một lần nữa. Mặc dù Martí đã hi sinh trong một cuộc giao tranh, những người nối gót ông vẫn bền chí tiến hành một cuộc chiến tranh du kích ngoan cường. Chỉ huy của Tây Ban Nha, Valeriano Weyler, đáp trả bằng cách ép buộc toàn bộ dân chúng vào những trại canh gác và gây ra những hậu quả khủng khiếp. Trong số 1.600.000 người thì khoảng 200.000 đã chết vì đói, phơi nắng hay kiết lị. Tái tập trung (Reconcentration) đã trở thành một thuật ngữ để chỉ sự độc ác của người Tây Ban Nha.
Cuộc khủng hoảng Cuba
 Bản thân lí lẽ của Cuba có thể không thu hút nhiều sự quan tâm. Hành vi của Weyler cũng chẳng tồi tệ hơn bất kì kẻ cai trị nào khác của một đế quốc; và sự tàn ác thì cũng chẳng hiếm gặp ở những nơi khác trên thế giới lúc bấy giờ. Tuy nhiên, những người lưu đày Cuba gánh vác nhiệm vụ chiến thắng đã đến New York vào một thời khắc may mắn.
William Randolph Hearst vừa mới mua lại tờ Nhật báo New York, và ông đang khẩn trương phát triển lượng người đọc. Rơi vào cuộc chiến doanh số phát hành với tờ Thế giới New York của Joseph Putlizer, Hearst đã đưa nỗi đau Cuba lên tít trang nhất. Những cuộc giao tranh rời rạc diễn ra ở khu vực xa xôi, bên ngoài tầm với những phóng viên của Hearst. Điều đó không thành vấn đề. Những lời tuyên bố của phe nổi dậy là đủ đối với Hearst, và một loạt những bài báo nóng sốt bắt đầu xuất hiện nói về những trận chiến hầu như không tồn tại và về sự tàn bạo của người Tây Ban Nha.
Trên khắp đất nước, những cảm xúc mạnh mẽ được khuấy động lên: lo lắng cho những người Cuba khốn khổ, đồng cảm với khát vọng tự do của họ, và khi sự tức giận đối với Tây Ban Nha tăng lên, một chủ nghĩa yêu nước sôi nổi nhanh chóng kéo theo chủ nghĩa sô-vanh. Những cảm xúc này thường hòa quyện với những mối lo lắng của người Mĩ về sự nhu nhược phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Một thứ ngôn ngữ giới tính đã ngấm vào cuộc tranh luận, với những người nổi dậy được khắc họa như những hiệp sĩ bảo vệ phụ nữ Cuba thoát khỏi cảnh làm nô lệ tình dục cho những tên thực dân Tây Ban Nha. Những người sô-vanh cho rằng nó sẽ tốt cho tính cách của quốc gia nếu người Mĩ đến giải cứu. Thượng nghị sĩ Albert J.Beveridge nói rằng chính phủ không nên bỏ lỡ cơ hội này để “tạo nên nhân tính”. Trong không khí tràn ngập cảm xúc này, Quốc hội bắt đầu kêu gọi độc lập cho Cuba.
  Tổng thống Cleveland có cái nhìn điềm tĩnh hơn đối với tình thế này. Ông chỉ quan tâm đến những lợi ích cốt yếu của nước Mĩ, thứ mà ông đã nói với Quốc hội rằng “không thể hoàn toàn theo tình cảm và lòng nhân ái được”. Cuộc chiến ở Cuba đang làm gián đoạn thương mại và hủy hoại những đồn điền đường của Mĩ. Cleveland cũng lo ngại những vấn đề rắc rối của Tây Ban Nha có thể cuốn các cường quốc châu Âu khác vào. Một Cuba thường xuyên bất ổn không phù hợp với những lợi ích chiến lược của Mĩ, đặc biệt là kế hoạch kênh đào liên đại dương mà những cửa ngõ Ca-ri-bê của nó phải được bảo vệ an toàn. Nếu Tây Ban Nha có thể dập tắt cuộc nổi loạn thì đó sẽ là điều tốt đối với Cleveland. Nhưng ông đã cảm thấy có một giới hạn cho việc Mĩ có thể tha thứ cho sự bất lực của Tây Ban Nha trong bao lâu.
Chính phủ McKinley lên nắm quyền vào tháng 3 năm 1897 cũng đi theo tư tưởng thực dụng tương tự. Giống như Cleveland, McKinley coi Mĩ là cường quốc thống trị Ca-ri-bê với những lợi ích sống còn đang bị đe dọa. Tuy nhiên McKinley có xu hướng cứng rắn hơn đối với người Tây Ban Nha. Ông cảm thấy thất vọng bởi những “hành xử man rợ và phi nhân tính” của họ, và ông phải đấu tranh với chủ nghĩa sô-vanh đang nổi lên ở Thượng viện. Nhưng quan điểm của các sử gia rằng McKinley đã chịu ảnh hưởng của tư tưởng phổ biến là sai lầm. McKinley là người rất tự chủ- một chính trị gia lão luyện và là một tổng thống khôn ngoan. Cụ thể, McKinley rất nhạy cảm với những nỗi lo sợ của giới kinh doanh về bất kì một hành động hấp tấp nào có thể làm đổ vỡ nền kinh tế chỉ vừa mới hồi phục khỏi cuộc suy thoái.
Ngày 18/9/1897, công sứ Mĩ ở Madrid đã thông báo đến chính phủ Tây Ban Nha rằng đây là thời điểm để “đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh tàn khốc này”. Hoặc đảm bảo một “nền hòa bình mau chóng và chắc chắn” hoặc Mĩ sẽ nhảy vào. Đầu tiên ranh giới cứng của Mĩ tỏ ra hiệu quả. Chính quyền bảo thủ của Tây Ban Nha sụp đổ, và một chính quyền tự do hơn lên lãnh đạo vào tháng 10 năm 1897 đã triệu hồi tướng Weyler, rút lại chính sách tái tập trung, và đề nghị trao cho Cuba một mức độ tự trị hạn chế. Tuy nhiên sự bất lực của Madrid sớm trở nên rõ ràng. Tháng 1 năm 1898, những người Tây Ban Nha trung thành ở Havana đã gây ra cuộc bạo động phản đối chế độ tự trị. Những người Cuba nổi loạn được động viên bởi viễn cảnh Mĩ can thiệp vào thì yêu cầu độc lập hoàn toàn.
Ngày 9/2/1898, Tờ Nhật báo New York của Hearst đã công bố một bức thư cá nhân của Dupuy de Lôme, công sứ Tây Ban Nha tại Mĩ. Trong đó, de Lôme gọi Tổng thống McKinley là “yếu đuối” và là “một kẻ đấu giá cho sự ngưỡng mộ của đám đông”. Bức thư của ông cho thấy rằng chính quyền Tây Ban Nha không hề coi trọng yêu cầu của Mĩ. De Lôme ngay lập tức từ chức, nhưng tổn thất thì không phục hồi lại được.
Một tuần sau đó, tàu tuần dương Maine của Mĩ nổ tung và chìm trong cảng Havana khiến cho 260 thủy thủ thiệt mạng. “Cả nước run lên trong cơn sốt chiến tranh”, tờ Nhật báo New York tuyên bố. Từ giây phút đó trở đi, sự giận dữ trở thành nhân tố chính trong cuộc diễu hành tới chiến tranh.
“Remember the Maine!”

Cuối tháng 1 năm 1898, tuần dương hạm Maine vào cảng Havana trong một chuyến viếng thăm nhã nhặn. Buổi tối ngày 15/2, một vụ nổ bí ẩn đã khiến con tàu của Mĩ chìm xuống đáy. Mặc dù không có bằng chứng nào về sự liên quan giữa giới chức Tây Ban Nha với vụ nổ, nhưng việc tàu Maine bị chìm đã tạo ra ngọn lửa thù hận là tiền đề để Mĩ lao vào cuộc chiến với Tây Ban Nha

McKinley vẫn giữ được bình tĩnh. Ông cho rằng vụ chìm tàu chỉ là tai nạn. Tuy nhiên ủy ban điều tra hải quân đã đưa ra một bản báo cáo thiệt hại. Không đồng tình với cuộc điều tra của Tây Ban Nha, ủy ban Hoa Kì đã đổ lỗi cho một quả thủy lôi. Không có bằng chứng nào cho thấy người Tây Ban Nha có liên quan đến quả thủy lôi trên. Tuy nhiên nếu một quả thủy lôi đã đánh chìm con tàu thì người Tây Ban Nha phải chịu trách nhiệm vì đã không bảo vệ được con tàu của Mĩ trong phạm vi quyền hạn của họ.
Tổng thống McKinley không có bụng dạ nào cho tinh thần chiến tranh đang ngập tràn đất nước. Ông cũng không bị lung lay bởi những lời kêu gọi trả thù máu cho tàu Maine. Nhưng ông không thể phớt lờ một quan điểm của công chúng. Những nhà lãnh đạo kinh doanh lưỡng lự giờ đây cũng trở nên mất kiên nhẫn. Chiến tranh giờ đây trở nên thích hợp hơn để giải quyết cuộc khủng hoảng Cuba. Ngày 27/3, McKinley gửi đến Madrid một tối hậu thư: lập tức đình chiến trong 6 tháng và đàm phán hòa bình với quân nổi dậy với Mĩ làm trung gian hòa giải. Chính quyền Tây Ban Nha mặc dù đã cố hết sức để tránh chiến tranh nhưng vẫn phải chùn bước trước yêu cầu bổ sung của McKinley rằng việc hòa giải sẽ phải dẫn đến độc lập cho Cuba, điều này sẽ đồng nghĩa với sự sụp đổ của chính quyền Madrid  và thậm chí có thể gây nguy hiểm đến ngôi vua.
Vào ngày 11/4, McKinley đã xin Quốc hội quyền can thiệp vào Cuba. Động cơ của việc này giống như ông miêu tả: “Nhân danh con người, nhân danh sự văn minh, nhân danh những lợi ích Mĩ đang bị đe dọa trao cho chúng ta quyền lợi và nghĩa vụ phải phát ngôn và hành động, cuộc chiến ở Cuba phải ngừng lại”. Phe diều hâu trong Quốc hội- một tập hợp những người Cộng hòa có tư tưởng đế quốc như Henry Cabot Lodge và những người Dân chủ miền tây ủng hộ Cuba tự trị- cảm thấy bực mình vì tiến trình cẩn trọng của McKinley. Nhưng vị Tổng thống không mất bình tĩnh, và ông đã bác bỏ yêu cầu của họ đòi công nhận chính quyền nổi dậy, thứ sẽ làm giảm đi sự tự do hành động của chính quyền trong cuộc thương thuyết với Tây Ban Nha.
  Những nghị quyết cho phép can thiệp vào Cuba bao gồm một điều khoản bổ sung do Thượng nghị sĩ Henry M.Teller bang Colorado viết bác bỏ bất cứ ý định nào của Mĩ chiếm Cuba. Không chính quyền châu Âu nào có thể nói rằng “khi chúng ta chiến đấu cho tự do và độc lập của những người yêu nước Cuba, chúng ta làm điều đó vì mục đích bành trướng”. Thượng nghĩ sĩ Teller bổ sung thêm “chúng ta có thể làm điều đó đối với một số hòn đảo khác”.
Liệu McKinley đã có sẵn trong đầu “một số hòn đảo khác”? Liệu đây thực sự là một cuộc chiến tranh xâm lược, bí mật nhắm đến việc chiếm giữ vùng lãnh thổ chiến lược của Tây Ban Nha? Theo đúng nghĩa thì câu trả lời chắc chắn là không. Không phải vì tham vọng bành trướng mà McKinley dồn Tây Ban Nha đến chân tường. Nhưng khi chiến tranh xảy ra thì McKinley nhìn nhận nó như một cơ hội. Như ông đã viết riêng sau khi chiến sự bắt đầu, “Trong khi chúng ta tiến hành chiến tranh và cho đến khi kết cục ngã ngũ, chúng ta phải giữ tất cả những gì chúng ta có; khi cuộc chiến kết thúc thì chúng ta phải giữ lại những gì chúng ta muốn”. Điều gì chính xác sẽ đến tất nhiên phụ thuộc vào vận mệnh của cuộc chiến.
Chiến lợi phẩm
Tây Ban Nha tuyên chiến với Mĩ vào 24/4/1898. Trên khắp đất nước, các trung đoàn bắt đầu được thành lập. Theodore Roosevelt lập tức từ chức Trợ lí Bộ trưởng Hải quân và nhận nhiệm vụ làm trung tá của một đội kị binh tình nguyện sau này sẽ trở nên nổi tiếng với biệt danh Kị binh hung bạo. Tân binh đổ về những căn cứ tạm thời quanh Tampa, Florida. Sự rối loạn trở nên phổ biến. Những bộ đồng phục nhiệt đới không đến nơi; thực phẩm tồi tệ, điều kiện vệ sinh còn tệ hơn; và súng trường thì thiếu thốn. Chưa có sự chuẩn bị nào cho việc đưa quân đến Cuba; chính phủ bắt đầu vội vàng thu thập một đội thuyền hỗn tạp bao gồm thuyền buồm, tàu hơi nước trên hồ, và những thuyền buôn. May mắn là số lượng nhỏ quân thường trực là một lực lượng kỉ luật và tinh nhuệ. 28.000 quân tinh nhuệ đã trở thành hạt nhân cho 200.000 tân binh mới gia nhập quân ngũ trong vài tuần.
Tình hình hải quân sáng sủa hơn. Tây Ban Nha không có gì để sánh với bảy chiếc tàu chiến và tuần dương hạm thiết giáp của Mĩ, và những chiếc tàu của nó cũng chỉ được chuẩn bị một cách nghèo nàn cho việc chiến đấu. Đô đốc Tây Ban Nha, Pascual Cerveral, đã bi quan đoán trước rằng hạm đội của ông sẽ “giống như Đông Ki Sốt đi đánh nhau với cối xay gió và trở về với một cái đầu bị thương”.
Trận giao tranh quyết định của cuộc chiến diễn ra ở phía tây Thái Bình Dương chứ không phải Cuba. Đây là công trình của Theodore Roosevelt, người mà khi còn ở Bộ Hải quân đã được Đại tá quả cảm George Dewey chỉ định làm chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương với hướng dẫn rằng nếu xảy ra chiến tranh, ông sẽ phải ngay lập tức tấn công hạm đội Tây Ban Nha ở Philippines. Khi cuộc chiến bắt đầu, Roosevelt đối đầu với cấp trên của mình John Long và ép ông phải phê chuẩn chỉ dẫn của Dewey. Ngày 01/05, những chiếc tàu của Mĩ đã dồn hạm đội Tây Ban Nha vào Vịnh Manila và tiêu diệt nó. Chiến thắng này đã tạo ra sự phấn khích ở Mĩ. Ngay lập tức, một phần đội quân được huấn luyện cho chiến dịch Cuba đã được chuyển sang Philippines. Manila, thủ đô Philippine thất thủ vào ngày 13/08/1898.
Với thắng lợi hải quân của Dewey, tư duy chiến lược của người Mĩ đã thay đổi. Thượng nghị sĩ Lodge tuyên bố: “Chúng ta đã nắm giữ phía bên kia của Thái Bình Dương và giá trị đối với đất nước này gần như là vượt quá sức tưởng tượng. Chúng ta không được phép để mất Quần đảo này”. Tổng thống McKinley đồng quan điểm đó, và những cố vấn chủ chốt của ông cũng vậy. Những nhà chiến lược hải quân từ lâu đã thèm muốn một mỏ neo ở tây Thái Bình Dương. Vào thời điểm đó, các Cường quốc cũng đang xâu xé Trung Quốc thành những vùng ảnh hưởng. Nếu các thương gia Mĩ muốn một phần tại thị trường lấp lánh đó thì Mĩ sẽ phải đưa quyền lực của mình đến châu Á.
Khi quyết định lập căn cứ ở Philippine đã được đưa ra thì những quyết định khác cũng gần như được tự động nối tiếp. Câu hỏi về Hawaii nhanh chóng được giải đáp. Sau khi bị trì hoãn trong năm trước đó, việc sáp nhập Hawaii đã được Quốc hội thông qua bằng một nghị quyết vào tháng 7 năm 1898. Hawaii bỗng nhiên có một giá trị chiến lược quan trọng: Nó là trạm dừng chân ở giữa con đường đến Philippines. Hải quân gây sức ép để có một căn cứ tiếp than ở Trung Thái Bình Dương; và đó có nghĩa là Guam, một hòn đảo Tây Ban Nha ở Marianas. Tiếp đến là nhu cầu một căn cứ chiến lược ở Caribê và đó là Puerto Rico. Vào tháng 7, trước cuộc tấn công vào Cuba,  phạm vi đầy đủ của những mục tiêu chiến tranh của McKinley đã hình thành.
Chiến tranh Tây Ban Nha-Mĩ năm 1898

Chiến thắng chóng vánh của Mĩ trong cuộc chiến với Tây Ban Nha là kết quả của sự vượt trội về lực lượng hải quân. Việc Dewey tiêu diệt hạm đội Tây Ban Nha tại cảng Manila đã quyết định số phận của người Tây Ban Nha tại Philippines. Tại Cuba, lực lượng bộ binh của Mĩ đã giành chiến thắng khó khăn tại Đồi San Juan bởi họ chỉ được trang bị nghèo nàn. Với việc Mĩ kiểm soát các vùng biển, người Tây Ban Nha không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc đầu hàng trong cuộc chiến ở Cuba.

Tại Cuba, quân Tây Ban Nha vốn đã bị hao mòn bởi cuộc chiến tranh du kích kéo dài. Bị quân nổi dậy trói chặt, họ để cho quân Mĩ đổ bộ xuống Daiquiri mà không vấp phải sự kháng cự nào. Santiago, nơi hạm đội Tây Ban Nha neo đậu, trở thành chìa khóa cho chiến dịch quân sự. Được huấn luyện nửa vời và trang bị nghèo nàn, quân Mĩ đã có thể bị ngăn chặn bởi một đối thủ kiên cường. Người Tây Ban Nha đã chiến đấu để giữ gìn danh dự, nhưng họ không có lòng dạ nào cho một cuộc chiến tranh thật sự chống lại người Mĩ.
Trận chiến chính xảy ra vào ngày 1/7 gần Santiago trên những cao điểm được chỉ huy bởi Đồi San Juan. Đội Kị binh Hung bạo xuống ngựa của Roosevelt (không có chỗ cho ngựa trên các con tàu vận chuyển) đã chiếm được đồi Kettle. Sau đó thì cuộc tấn công chính diện vào cao điểm San Juan bắt đầu. Bốn trung đoàn da đen đã phải gánh vác trọng trách của cuộc giao tranh. Những nhà quan sát da trắng đã ghi nhận công lớn trong chiến thắng cho “sự can đảm phi thường” của những người lính da đen. Tuy nhiên thực tế đó không hoàn toàn là một chiến thắng. Người Tây Ban Nha rút về tuyến phòng thủ thứ hai. Người Mĩ đã phải chịu thương vong nặng nề và khả năng họ có thể phát động một cuộc tấn công thứ hai vẫn còn là dấu hỏi. Tuy nhiên họ đã được miễn thử thách này. Vào ngày 3/7, hạm đội của Cervera ở cảng Santiago đã cố gắng thoát khỏi vòng phong tỏa của Mĩ vào ban ngày và bị tiêu diệt. Vài ngày sau, cho rằng Santiago không thể cứu vãn, quân Tây Ban Nha đầu hàng.
Hai quốc gia kí một hiệp định đình chiến trong đó Tây Ban Nha đồng ý trao trả độc lập cho Cuba và nhượng lại Puerto Rico và Guam cho Mĩ. Quân Mĩ vẫn chiếm Manila đợi một hiệp định hòa bình khác.
 Trải nghiệm Đế quốc
 Câu hỏi lớn là Philippines, một quần đảo bao gồm 7.000 hòn đảo nơi sinh sống của- như ngoại trưởng William R.Day nói bằng một ngôn ngữ phân biệt chủng tộc thời kì đó- “tám hay chín triệu người dốt nát và hạ đẳng”. Tuy nhiên kể cả những người Mĩ nhiệt tình theo chủ nghĩa bành trướng cũng không ủng hộ chế độ cai trị thực dân đối với các dân tộc lệ thuộc; đó là chủ nghĩa đế quốc kiểu châu Âu, không phải là những căn cứ chiến lược mà Mahan và những người theo ông nghĩ đến. Đầu tiên, mục tiêu của họ chỉ là giữ Manila. Tuy nhiên, họ dần nhận ra rằng Manila không thể phòng thủ mà không khống chế được toàn bộ đảo Luzon.
McKinley xem xét các lựa chọn. Một khả năng là trả lại phần lớn các đảo cho Tây Ban Nha, nhưng sự xấu xa khét tiếng của ách cai trị Tây Ban Nha đã khiến đây trở thành một giải pháp “hèn nhát và ô nhục”. Một khả năng khác là chia sẻ Philippines với một hoặc vài Cường quốc. Nhưng, như McKinley nhận xét, giao vùng lãnh thổ giá trị cho “những đối thủ thương mại của chúng ta ở phương Đông- đó sẽ là một việc kinh doanh tệ hại và mất uy tín”.
Giải pháp hợp lí nhất là để Philippines độc lập. Giống như ở Cuba, ách cai trị của Tây Ban Nha đã kích động một cuộc nổi dậy được dẫn dắt bởi nhà yêu nước Emilio Aguinaldo. Một cuộc dàn xếp có thể khả dĩ giống như việc Cuba cho Mĩ thuê căn cứ hải quân ở vịnh Guantanamo như cái giá của sự tự do. Nhưng sau một chút lưỡng lự, McKinley đã kết luận rằng “chúng ta không thể trao người Philippines cho chính họ- họ không phù hợp để tự trị- và họ sẽ sớm rơi vào tình trạng vô chính phủ và rối loạn tệ hơn cả khi còn nằm dưới ách cai trị của Tây Ban Nha”.
Emilio Aguinaldo

Vào giai đoạn bắt đầu cuộc chiến với Tây Ban Nha, những nhà lãnh đạo quân sự Mĩ đã đem nhà yêu nước Philippines Emilio Aguinaldo về từ Singapore bởi họ nghĩ rằng ông sẽ khuấy động một cuộc nổi dậy lớn giúp đánh bại người Tây Ban Nha. Aguinaldo tới vì ông nghĩ rằng người Mĩ ủng hộ một Philippines độc lập. Những động cơ khác nhau này là cội rễ của cuộc nổi dậy của người Philippines gây ra nhiều thương vong của cả người Mĩ và Philippines hơn cả cuộc chiến với Tây Ban Nha trước đó.

Đối với người Tây Ban Nha, họ không có sự lựa chọn nào khác hơn là chấp nhận “yêu cầu thái quá của kẻ chiến thắng”. Theo Hiệp ước Paris, họ nhượng Philippines cho Mĩ với giá 20 triệu đôla. Hiệp ước này gặp khó khăn hơn ở trong nước và chỉ được Thượng viện phê chuẩn vào ngày 06/02/1899 với chỉ hơn 1 phiếu so với mức tối thiểu.
Những Thượng nghị sĩ phản đối bản Hiệp ước viện dẫn những nguyên tắc cộng hòa của đất nước. Đảng viên Đảng Cộng Hòa bảo thủ George F.Hoar cho rằng theo Hiến pháp “Chính quyền Liên Bang không có quyền chiếm lãnh thổ và cai trị như những thuộc địa” hoặc “chinh phục những dân tộc ngoại lai và cai trị họ”. Giải pháp thay thế- biến 8 triệu người Philippines thành công dân Mĩ- cũng khó chịu không kém đối với những người chống chủ nghĩa đế quốc, vốn cũng chẳng ưa gì “những người man rợ này” như những người theo chủ nghĩa bành trướng.
Những công dân hàng đầu đứng vào hàng ngũ những người chống chủ nghĩa đế quốc, bao gồm vua thép Andrew Carnegie, người đưa ra tấm séc 20 triệu đô để mua độc lập cho Philippines; lãnh đạo công đoàn Samuel Gompers, người lo sợ một cuộc cạnh tranh với lao động Philippines giá rẻ; và Jane Addams, người tin tưởng rằng phụ nữ nên đứng về phía hòa bình. Nhóm chủ chốt là tinh hoa của xã hội, những nhân vật có thế lực như Carl Schurz, Charles Eliot Norton, và Charles Francis Adams. Tháng 11 năm 1898, một nhóm Boston lập nên Liên minh chống chủ nghĩa đế quốc bắt đầu nở rộ trên khắp đất nước.
Mặc dù có kĩ năng truyền bá tư tưởng của mình nhưng những người chống chủ nghĩa đế quốc chưa bao giờ trở thành một phong trào thịnh hành. Họ có rất ít điểm chung và với nòng cốt là những người có thế lực, họ thiếu một sự liên kết chung. Hơn nữa, Đảng Dân chủ, đồng minh tự nhiên của họ, không kiên định trong vấn đề này. Mặc dù là một người phản đối chủ nghĩa đế quốc, Đảng viên Đảng Dân chủ Williams Jennings Bryan đã làm những người bạn của ông ngạc nhiên khi chấp thuận phê chuẩn bản Hiệp ước. Ông lưỡng lự trong việc đặt cược tương lai của đảng mình vào việc chống lại một chính sách quốc gia mà ông tin rằng không thể đảo ngược. Mặc dù vậy, nếu đó là một sự đã rồi thì việc sáp nhập Philippine đã phải trả một cái giá đạo đức cao hơn bất kì ai mong đợi.
Ngày 04/02/1899, 2 ngày trước khi Thượng viện phê chuẩn bản hiệp ước, giao tranh nổ ra giữa những đội tuần tra của Mĩ và Phillippines ở rìa Manila. Đối diện với việc bị sáp nhập vào Mĩ, thủ lĩnh phe nổi dậy Aguinaldo tuyên bố độc lập và chĩa họng súng vào quân Mĩ chiếm đóng.
Cuộc đụng độ sau đó vượt xa mức độ khốc liệt của cuộc chiến tranh với Tây Ban Nha. Chiến đấu với những người du kích ngoan cường, Quân đội Mĩ đã phải sử dụng đến chiến thuật mà người Tây Ban Nha đã thực hiện ở Cuba, đưa người dân đến những thành phố, tiến hành những cuộc tấn công ào ạt ở vòng ngoài, và đốt mùa màng cũng như làng mạc. Sự tàn bạo trở thành chuyền bình thường ở cả hai phe. Trong 3 năm chiến tranh, 4.200 người Mĩ và hàng nghìn người Philippines đã thiệt mạng. Cuộc chiến kết thúc vào năm 1902, và William Howard Taft, người đã được chỉ định làm thống đốc của Philippines, thiết lập nên một chính quyền dân sự. Ông có ý định biến vùng lãnh thổ này thành hình mẫu của việc xây dựng đường sá và công trình vệ sinh kiểu Mĩ.
Chiến thắng thuyết phục của McKinley trước William Jennings Bryan năm 1900 đã cho thấy sự hài lòng của công chúng đối với cuộc phiêu lưu quân sự bên ngoài của nước Mĩ. Nhưng một dòng chảy ngầm mạnh mẽ những nghi ngờ là rõ ràng khi người Mĩ phải đối mặt với sự tàn bạo của cuộc chiến ở Philippines. “Chúng ta đang hủy diệt hàng ngàn người dân trên quần đảo cũng như làng mạc và thành phố của họ”, nhà triết học William James lên tiếng phản đối.
Thêm vào đó là những vấn đề về hiến pháp chưa được giải quyết. Hiệp ước Paris trong khi bảo đảm tự do tôn giáo đã thu lại của những cư dân của những lãnh thổ Tây Ban Nha nhượng lại bất kì lời hứa hẹn nào về quốc tịch. Quốc hội sẽ quyết định “quyền công dân và địa vị chính trị” của họ. Liệu điều này có trái với Hiến pháp? Năm 1901, Tòa án Tối cao nói rằng có. Hiến pháp không tự động trao quốc tịch cho những vùng lãnh thổ chiếm được. Việc người dân có được trao quốc tịch hay thậm chí việc bảo vệ hiến pháp được phép đối những người không có quốc tịch ở Mĩ đều phụ thuộc vào Quốc hội.
Việc bành trướng ra bên ngoài do đó khác biệt với việc bành trướng ở bên trong lục địa, biến những vùng lãnh thổ mới thành các thuộc địa chứ không phải các bang trong tương lai, và khiến Mĩ không thể chối bỏ rằng mình là một cường quốc thực dân. Năm 1916, theo lời chỉ dẫn của một ủy ban đặc biệt do McKinley thành lập, đạo luật Jones đã cam kết rằng Mĩ sẽ trao độc lập cho Philippines nhưng không nêu rõ ngày nào. (Philippines giành độc lập năm 1946)
Cuộc chiến khốc liệt ở Philippines đã xóa sạch một số lời phê bình đạo đức nhưng không làm chệch hướng khát vọng toàn cầu của Mĩ. Trong vài năm tiếp theo, Mĩ đã thiết lập nên một đế chế: Hawaii, Puerto Rico, Guam, Philippines, và cuối cùng năm 1900 là vài hòn đảo trong quần đảo Samoa trước đây do Đức và Anh cùng quản lí. Học giả John Bassett Moore năm 1899 nhận xét rằng Mĩ đã di chuyển “từ một vị trí tương đối tự do không vướng víu đến một vị trí của cái thường được gọi là cường quốc”.
BƯỚC LÊN VŨ ĐÀI THẾ GIỚI

Ở châu Âu, việc Mĩ thể hiện sức mạnh trước Tây Ban Nha đã gây ra một sự khiệp đảm nhất định. Những cường quốc trước khi chiến tranh nổ ra đã cố gắng đứng ra hòa giải nhưng đều tỏ ra ngập ngừng, bởi không ai muốn gặp rắc rối với Mĩ. Tổng thống McKinley đã lịch sự lắng nghe các công sứ của họ và sau đó tiếp tục tiến tới chiến tranh.
Kết quả cuối cùng đã xác nhận điều mà châu Âu vốn nghi ngờ. Sau chiến thắng hải quân của Dewey, tờ báo Pháp Le Temps đã nhận định rằng “thứ đang đứng trước mắt chúng ta là sự xuất hiện của một thế lực mới xếp hàng đầu”. Tờ London Timeskết luận: “Cuộc chiến này chắc chắn sẽ tạo ra một thay đổi sâu sắc trong toàn bộ thái độ và chính sách của nước Mĩ. Trong tương lai, Mĩ sẽ đóng một vai trò mà nó chưa từng có trước đây trong những vấn đề chính của thế giới.”
Một cường quốc giữa các cường quốc
Một chính trị gia nhiệt tình đồng ý nhất với tờ London Times là người mà nhờ vụ ám sát William McKinley đã trở thành tổng thống vào ngày 14/09/1901. Không giống như những vị tổng thống trước đây, Theodore Roosevelt là một cậu sinh viên ham học của những vấn đề thế giới, đi du lịch nhiều và quen biết với nhiều nhà lãnh đạo châu Âu. Ông không nghi ngờ gì về vai trò của Mĩ trên thế giới.
Điều quan trọng đầu tiên là nâng cao vị thế quốc gia trong cộng đồng quốc tế. Đất nước này không bao giờ nên chùn bước trước những cuộc chiến chính nghĩa. “Tất cả những chủng tộc siêu việt đều từng chiến đấu với những chủng tộc khác”, Roosevelt tuyên bố. Nhưng khi nói về chiến tranh, Roosevelt nghĩ đến hành động của những quốc gia “văn minh” chống lại những “dân tộc lạc hậu”. Roosevelt cảm thấy “phận sự của tất cả những cường quốc văn minh là kiên định giữ gìn trật tự thế giới”. Đó là lí do tại sao ông đồng cảm với chủ nghĩa đế quốc châu Âu và là cách ông bào chữa cho sự thống trị của Mĩ ở Caribê.
Đối với những cảnh sát “văn minh” của thế giới, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra đối với họ là việc đánh lẫn nhau. Roosevelt có một cảm nhận sắc bén về sự mong manh của nền hòa bình thế giới, và ông đã nhìn thấy trước khả năng của một cuộc chiến tranh thế giới thảm khốc – ở điểm này ông thực sự xuất chúng so với những người Mĩ khác. Ông tin rằng trách nhiệm của nước Mĩ là phải giúp duy trì sự cân bằng giữa các cường quốc.
Sau cuộc chiến tranh Tây Ban Nha-Mĩ, các cường quốc châu Âu không chắc chắn về việc phải cư xử thế nào đối với kẻ thắng cuộc. Chỉ có Anh quốc, với vị thế đang đi xuống do phải đối mặt với thách thức ngày càng tăng từ Đức và quan hệ tồi tệ với Pháp và Nga do những xung đột lợi ích của các đế chế, có một cái nhìn rõ ràng về điều mà nó muốn. Với việc ngày càng bị cô lập, Anh đã hướng về Mĩ. Với Hiệp định Hay-Pauncefote (1901), Anh đã từ bỏ quyền tham gia vào bất kì dự án kênh đào Trung Mĩ nào, dọn đường cho một kênh đào do Mĩ kiểm soát độc quyền. Hai năm sau đó, tranh chấp cuối cùng trên đường biên giới Mĩ-Canada, liên quan đến British Columbia và Alaska, được giải quyết theo hướng có lợi cho Mĩ.
Không kết làm đồng minh chính thức, nhưng mối quan hệ Ănglê- Mĩ đã trở nên quá vững chắc đến nỗi Bộ Hải quân Anh đã hoạch định những kế hoạch chiến tranh dựa trên giả thiết rằng Mĩ là “một nước anh em họ hàng mà chúng ta sẽ không bao giờ có một cuộc chiến tranh phản tộc”. Roosevelt đồng ý sâu sắc. “Anh và Mĩ, trên bất cứ hai cường quốc nào, phải là bạn của nhau”. Trong những nỗ lực không mệt mỏi để duy trì sự cân bằng giữa các cường quốc, nền tảng chính sách của Roosevelt là mối quan hệ với Anh Quốc.
Tuy vậy, giữa các quốc gia thì điều quan trọng là sức mạnh chứ không chỉ đơn thuần là thiện chí. Roosevelt muốn “làm cho tất cả các cường quốc khác hiểu rằng khi chúng ta thực thi chính sách, chúng ta sẽ nhất định thực thi nó, và với ý định sẽ hỗ trợ nó bằng hành động cũng như lời nói”. Roosevelt đã nói một câu nổi tiếng “Hãy nói nhẹ nhàng và cầm chiếc gậy to”. Với chiếc “gậy to”, ông muốn nói đến sức mạnh hải quân. Và nó đồng nghĩa với một kênh đào xuyên qua Trung Mĩ.
Được rảnh tay nhờ việc Anh từ bỏ quyền hợp tác xây dựng kênh đào, Roosevelt đã thuê của Colombia một dải đất ngang qua Panama, một tỉnh của Colombia. Tức giận khi cơ quan lập pháp Colombia từ chối yêu cầu, Roosevelt đã dự tính chiếm toàn bộ Panama nhưng cuối cùng thực thi một giải pháp ranh ma hơn. Với phong trào giành độc lập của Panama đang manh nha, Mĩ đã ngầm hỗ trợ để đem đến một cuộc cách mạng không đổ máu chống lại Colombia. Ngày 06/11/1903 , Hợp chủng quốc Hoa Kì công nhận Panama; 2 năm sau, nó giành được một hợp đồng cho thuê vĩnh viễn trên khu vực kênh đào. Roosevelt chưa bao giờ hối hận vì đã ức hiếp Colombia, mặc dù Mĩ đã trả cho Colombia 25 triệu đôla như một khoản tiền lương tâm năm 1922.
Xây dựng kênh đào, một trong những kì công kĩ thuật anh hùng của thế kỉ, bao gồm một dự án dọn sạch đầm lầy khổng lồ, việc xây dựng một chuỗi các chốt lớn, và đào 240 triệu yard khối đất. Hàng nghìn người lao động được Quân đoàn công binh Hoa Kì thuê đã phải mất 8 năm đào bới để hoàn thành dự án khổng lồ này. Khi Kênh đào Panama mở cửa vào năm 1914, nó đã đem đến cho Mĩ vị thế thống lĩnh ở Tây bán cầu.
Tiếp đến là nhiệm vụ đảm bảo Vịnh Caribê an toàn. Ngoại trưởng Elihu Root phát biểu rằng các quốc gia ở đây đã được đặt ở “sân trước của Mĩ” bằng kênh đào Panama. Bởi vậy, như Roosevelt đã nói, họ phải “hành xử cho phải phép”.
Đối với trường hợp Cuba, việc hành xử tốt đã được thực hiện bằng một hiệp ước sau Chiến tranh Tây Ban Nha- Mĩ. Trước khi rút về năm 1902, Mĩ đã sắp xếp lại các khoản tài chính công của Cuba và tiến hành một chương trình dọn dẹp đầm lầy loại bỏ bệnh sốt vàng, một bệnh dịch đã tàn phá Cuba trong nhiều năm. Như một điều kiện cho việc giành được độc lập, Cuba đã chấp nhận một điều khoản trong hiến pháp của nó gọi là tu chính án Platt, trao cho Mĩ quyền được can thiệp nếu nền độc lập của Cuba bị đe dọa hoặc trật tự bên trong bị phá vỡ. Cuba cũng cho Mĩ thuê Guantánamo (hiện vẫn còn hiệu lực), nơi Hải quân Mĩ xây dựng một căn cứ lớn.
Đó là một liều thuốc đắng cho người Cuba, vốn nghĩ rằng họ đã tạo nên một cuộc cách mạng của riêng mình, chỉ để nhận ra rằng nền độc lập khó khăn giành được đã bị nhiễm độc từ khi khai sinh. Sự không thông hiểu lẫn nhau- người Mĩ kì vọng lòng biết ơn, trong khi người Cuba chủ yếu chỉ cảm thấy sự bất mãn- đã gieo hạt giống cho những phong trào cách mạng mới và chiến thắng trong tương lai của Fidel Castro năm 1959. Tất nhiên trong vấn đề đó, Theodore Roosevelt đã không được nhớ tới.
Cảnh sát vùng Caribê

Sau cuộc chiến với Tây Ban Nha, Mĩ đã mạnh mẽ đòi hỏi lợi ích của nó trong các vấn đề của những người hàng xóm phía nam. Như bản thống kê về các cuộc can thiệp cho thấy, Mĩ đã thực sự trở thành “cảnh sát” vùng Caribê.

Cho rằng sự bất ổn ở Caribê sẽ mời gọi sự can thiệp của các cường quốc châu Âu, Roosevelt tuyên bố vào năm 1904 rằng Mĩ sẽ hành động như một “cảnh sát” của khu vực, can thiệp vào “dù có sự tự nguyện hay không trong những trường hợp rõ ràng của sự sai trái hoặc bất lực”. Cái gọi là Hệ quả Roosevelt của Học thuyết Monroe này đã biến nguyên tắc chống lại sự can thiệp của châu Âu ở Mỹ Latinh thành một quyền không giới hạn của Mĩ được điều chỉnh những vấn đề ở Caribê. Hệ quả Roosevelt không phải là một hiệp ước với các quốc gia khác; nó là một lời tuyên bố đơn phương bởi cường quốc Hoa Kì và lợi ích quốc gia.
Viện dẫn Hệ quả Roosevelt, Mĩ đã can thiệp thường xuyên vào các vấn đề nội bộ của các quốc gia Caribê. Năm 1905, người Mĩ chiếm quyền quản lí thuế và nợ của Cộng hòa Dominica và tương tự là nền tài chính của Nicaragua năm 1911 và Haiti năm 1916. Khi trật tự trong nước bị phá vỡ, Lính thủy đánh bộ Mĩ đã chiếm Cuba năm 1906, Nicaragua năm 1909, Haiti và Cộng hòa Dominica trong những năm sau đó.
Cánh cửa mở ở châu Á
Lợi ích thương mại chi phối chính sách của Mĩ ở Đông Á, đặc biệt là sự quyến rũ của thị trường Trung Quốc. Đến cuối những năm 1890, Nhật Bản, Nga, Đức, Pháp và Anh đều đã xâu xé lấy những vùng ảnh hưởng ở Trung Quốc.  Sợ hãi trước việc bị đóng băng ở ngoài, Ngoại trưởng Mĩ John Hay năm 1899 đã gửi các nước này một công hàm Mở Cửa đòi quyền bình đẳng tiếp cận thương mại- một cánh cửa mở ra- cho tất cả các quốc gia muốn làm ăn ở Trung Quốc. Mặc dù có căn cứ ở Philippines, Hoa Kì thiếu một đòn bẩy thực sự ở Đông Á và chỉ thu được những câu trả lợi không mang tính ràng buộc từ những cường quốc đang chiếm đóng. Nhưng Hay chọn hiểu chúng như là chấp nhận vị thế cánh cửa mở của Mĩ.
Khi Nghĩa hòa đoàn, một hội kín của những người Trung Hoa theo chủ nghĩa dân tộc, nổi lên chống lại những người nước ngoài vào năm 1900, Hoa Kì đã phái 5.000 quân và tham gia vào liên quân phá vỡ cuộc vây hãm các công sứ ngoại giao ở Bắc Kinh của Nghĩa hòa đoàn. Mĩ đã tận dụng cơ hội này để xác lập nguyên tắc thứ hai của Mở Cửa: Trung Quốc được bảo toàn như một “thực thể có lãnh thổ và chính quyền”. Chừng nào một Trung Hoa độc lập còn tồn tại, chừng đó những yêu sách của Mĩ về việc tiếp cận bình đẳng với thị trường Trung Quốc còn có hiệu lực.
Ở Caribê, các cường quốc châu Âu đã chấp nhận sự thống trị của Mĩ. Nhưng Anh, Đức, Pháp, Nga đã cắm rễ ở Đông Á và không có ý định nhượng bộ lợi ích của Mĩ. Hoa Kì cũng phải đối mặt với Nhật Bản, một quốc gia châu Á hùng mạnh có những lợi ích sống còn riêng. Mặc dù chính sách mở cửa mang ý nghĩa quan trọng đối với Roosevelt, nhưng ông nhận thức được những khoản đặt cược lớn hơn đang gặp nguy hiểm ở Thái Bình Dương.
 Nhật Bản đã cho thấy sức mạnh quân sự của nó trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật năm 1894-1895, khởi đầu cho sự phân chia Trung Quốc thành các vùng ảnh hưởng- không phải thuộc địa mà là những khu vực được các cường quốc đánh dấu ở đó họ có quyền xác lập sự thống trị không chính thức. Một thập kỉ sau đó, tức giận trước sự kình địch của người Nga ở Mãn Châu và Hàn Quốc, Nhật Bản đã tấn công hạm đội của Nga hoàng ở Cảng Arthur, hải cảng mà Nga thuê ở Trung Quốc. Trong một chuỗi những chiến thắng ngoạn mục, quân đội Nhật Bản đã nghiền nát quân Nga. Lo lắng khôi phục sự cân bằng quyền lực, Roosevelt đã làm trung gian hòa giải tại Portsmouth, New Hampshire, năm 1905. Nhật Bản đã nổi lên trở thành cường quốc thống trị ở Đông Á.

Các cường quốc ở Đông Á, 1898-1910

Mô hình thống trị của ngoại quốc lên Trung Quốc là thông qua “các cảng hiệp ước”, nơi các cường quốc đặt lực lượng hải quân của họ, và “các vùng ảnh hưởng” nối dài từ những cảng này tới nội địa. Bản đồ này cho thấy tại sao Mĩ có một bàn tay yếu; nó thiếu đi sự hiện diện trên vùng đất thuộc địa này. Cuộc nổi dậy của Nghĩa hòa đoàn, với việc đưa quân viễn chinh Mĩ vào Bắc Kinh, đã đem lại cho Mĩ cơ hội để tiến vào Trung Hoa lục địa, và những nhà ngoại giao Mĩ đã tận dụng cơ hội này để bảo vệ những lợi ích thương mại của Mĩ ở Trung Quốc.

Khinh thường các quốc gia châu Á khác nhưng Roosevelt rất kính trọng người Nhật- “một dân tộc tuyệt vời và văn minh… được quyền sánh vai bình đẳng với tất cả các dân tộc khác của thế giới văn minh”. Ông thừa nhận rằng Nhật Bản có “một lợi ích tối cao trong phạm vi quanh vùng biển vàng, giống như Mĩ có lợi ích sống còn trong phạm vi quanh vùng Caribê”. Nhưng chiến lược Mĩ và những lợi ích thương mại ở Thái Bình Dương phải được điều tiết. Mĩ chấp thuận chế độ bảo hộ của Nhật đối với Hàn Quốc năm 1905 và sau đó là tuyên bố toàn bộ chủ quyền sáu năm sau đó.
Tuy nhiên, thái độ kì thị người châu Á ở California đã gây khó khăn cho những nỗ lực của Roosevelt. Năm 1906, hội đồng giáo dục San Francisco đã lập nên một trường dành riêng cho sinh viên châu Á, khiến cho Nhật Bản nổi giận. “Hiệp định của những quí ông” năm 1907 trong đó Nhật Bản đồng ý hạn chế người nhập cư vào Mĩ, đã giải quyết vấn đề nhưng sự khinh thường của người Mĩ khiến cho những căng thẳng với người Nhật vẫn tiếp diễn.
Trong khi đó Roosevelt đã dịch chuyển để cân bằng sức mạnh quân sự của Nhật ở Thái Bình Dương. Những tàu chiến Mĩ viếng thăm Nhật Bản năm 1908 trong một chuyến du lịch toàn cầu đã thể hiện một cách ấn tượng về sức mạnh biển của Mĩ. Cuối năm đó, khi gần kết thúc nhiệm kì của mình, Roosevelt đã đạt được một sự hòa giải chính thức với Nhật Bản. Hiệp định Root-Takahara đã xác nhận giữ nguyên trạng Thái Bình Dương cũng như những nguyên tắc của thương mại tự do xuyên đại dương và cơ hội thương mại bình đẳng ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, William Howard Taft,  bước vào Nhà Trắng năm 1909, cho rằng Mĩ đã bị lừa bịp. Ông gây sức ép để các nhà đầu tư Mĩ có một vai trò lớn hơn, đặc biệt trong việc xây dựng tuyến đường sắt đang khởi công ở Trung Quốc. Với chính sách ngoại giao đôla- sự kết hợp của những lợi ích chính trị và kinh tế của Mĩ ở nước ngoài- Taft hi vọng rằng nguồn vốn của Mĩ sẽ làm đối trọng với sức mạnh Nhật Bản và dọn đường cho những cơ hội thương mại tăng lên. Khi cuộc Cách mạng Trung Quốc năm 1911 lật đổ triều đình Mãn Châu, Taft đã ủng hộ những người Trung Quốc theo đường lối dân tộc, những người muốn hiện đại hóa đất nước và giải phóng nó khỏi sự thống trị của Nhật Bản. Hoa Kì do đó đã tham gia vào một cuộc cạnh tranh lâu dài với Nhật Bản cuối cùng kết thúc bằng cuộc chiến tranh 30 năm sau đó.
Hợp chủng quốc Hoa Kì đã bị lôi kéo vào một cuộc chiến xa xôi với những khoản nợ tương lai nặng gánh nhưng chỉ là phần nhỏ so với khoản lợi nhuận quá cao đã lôi cuốn người Mĩ đến châu Á.
Wilson và Mexico
 Trở thành tổng thống năm 1913, Woodrow Wilson đã bắt tay vào cải cách chính sách đối ngoại cũng như đối nội của Mĩ. Wilson không thực sự khác biệt với Roosevelt hay Taft về những lợi ích kinh tế của Mĩ ở nước ngoài. Ông cổ vũ cho “làn sóng thương mại” tăng lên nhờ Kênh đào Panama. Nhưng ông phản đối chính sách ngoại giao đôla, thứ mà ông tin rằng đã bắt nạt các quốc gia yếu hơn và đem lại lợi thế không xứng đáng cho doanh nghiệp Mĩ. Dường như đối với Wilson “việc quyết định chính sách đối ngoại của một quốc gia theo lợi ích vật chất là một hiểm họa”.
Mexico trở thành mục tiêu chính cho sự giúp đỡ của Wilson. Một vòng xoáy cách mạng đã bắt đầu ở đây năm 1911. Nhà độc tài Porfirio Díaz bị lật đổ bởi Francisco Madero, người nói rất giống với Wilson về tự do và chủ nghĩa hợp hiến. Nhưng trước khi Madero có thể tiến xa với những cải cách của mình, ông đã bị phế truất và sát hại vào tháng 2 năm 1913 bởi một trong những vị tướng của mình, Victoriano Huerta. Những cường quốc khác công nhận chính quyền lâm thời của Huerta nhưng Mĩ thì không. Wilson khinh bỉ Huerta, gọi ông là tên sát nhân và thề sẽ “buộc ông phải mất chức”.
Bằng việc can thiệp theo cách này, Wilson nhấn mạnh rằng “chúng ta hành động chỉ vì lợi ích của Mexico… Chúng ta sẽ khuyên bảo Mexico vì lợi ích của chính họ”. Wilson ngụ ý rằng ông sẽ đưa Cách mạng Mexico trở về con đường hiến pháp được Madero bắt đầu. Wilson không hề nhụt chí trước thực tế rằng Huerta có lợi hơn cho lợi ích kinh doanh của người Mĩ, với những khoản đầu tư lớn ở Mexico.
Sự nổi lên của lực lượng đối lập ở phía bắc Mexico dưới sự lãnh đạo của Venustiano Carranza đã làm tăng thêm sức mạnh của Wilson. Nhưng phong trào của Carranza theo đường lối dân tộc và căm ghét việc Mĩ can thiệp. Carranza tức giận khước từ những nỗ lực của Wilson đem đến cuộc bầu cử bằng một thỏa hiệp với chính quyền Huerta. Carranza cũng thề sẽ tấn công bất kì người lính Mĩ nào xâm nhập vào đất nước của ông. Tất cả những gì ông muốn ở Wilson, Carranza khẳng định, là công nhận địa vị tham chiến của phe ông để họ có thể mua vũ khí từ Mĩ. Để đổi lại những lời hứa mập mờ về việc tôn trọng quyền tài sản và những nhượng địa “hợp lí”, Carranza đạt được mục đích của mình năm 1914. Vũ khí Mĩ bắt đầu đổ về.
Khi việc Huerta sẽ không sụp đổ trở nên rõ ràng, Mĩ đã đưa quân vào cuộc xung đột. Lấy cớ một sự xúc phạm nhỏ đến Hải quân Mĩ, Wilson đã ra lệnh chiếm cảng Veracruz vào 21/04/1914 với 19 người Mĩ và 126 người Mehico thiệt mạng. Vào thời điểm đó, chính quyền Huerta bắt đầu sụp đổ. Tuy nhiên Carranza lại chỉ trích Mĩ, và quân của ông đã tiến gần đến việc giao chiến với người Mĩ. Khi ông tiến vào Mexico City trong khúc khải hoàn vào tháng 8 năm 1914, Carranza có lí do để cảm ơn người Mĩ. Nhưng nếu có bất kì tình cảm biết ơn nào tồn tại, thì nó cũng bị phủ bóng bởi chủ nghĩa chống Mĩ gây ra bởi sự thiếu nhạy cảm của Wilson đối với niềm tự hào của Mexico và nhiệt huyết cách mạng của họ.
Sau khi giành chiến thắng, Carranza sớm bị thách thức bởi vị tướng của mình, Pancho Villa, với những sự khuyến khích của những lợi ích Mĩ ở Mexico. Thất bại và bị đẩy lùi lên phía bắc, Villa bắt đầu gây ra rắc rối dọc đường biên giới, giết hại 16 người dân Mĩ từ một chuyến tàu tháng 1 năm 1916 và tấn công một thị trấn ở Columbus, New Mexico, 2 tháng sau đó. Wilson đã phái 11.000 lính dưới sự chỉ huy của Tướng John J.Pershing đi qua biên giới đuổi theo Villa.
Ngay lập tức lực lượng của Pershing đã tập hợp một đội quân xâm chiếm hơn là một cuộc tấn công trừng phạt. Dư luận Mexico yêu cầu Pershing rút quân, và những cuộc đụng độ vũ trang với quân đội Mexico bắt đầu. Trên bờ vực chiến tranh, hai chính phủ đã lùi bước và quân Mĩ bắt đầu rút vào đầu năm 1917. Ngay sau đó, với một bản hiến pháp được thông qua và cuộc bầu cử được hoàn thành, chính quyền Carranza cuối cùng cũng được Washington chính thức công nhận.
Cơn bão đang tích tụ ở châu Âu
 Trong khi đó, châu Âu đang nhanh chóng tiến tới chiến tranh. Có 2 nguồn căng thẳng chính. Đầu tiên là sự kình địch giữa Đức, siêu cường mới ở châu Âu, và những quốc gia châu Âu cảm thấy bị đe dọa bởi sức mạnh của nó- trên hết là Pháp, nước đã bị làm nhục trong cuộc Chiến tranh Pháp-Phổ năm 1870. Thứ hai là Balkans, nơi đế chế Ottoman đang tan rã và là nơi giữa những xung đột sắc tộc dễ bùng nổ, Áo Hung và Nga đang dùng thủ đoạn để thống trị. Ngoài những xung đột này, một hệ thống liên minh đã nổi lên, với Đức, Áo Hung và Italy (Khối Liên minh tay ba) một bên và Pháp với Nga (Khối Liên minh tay đôi) ở bên còn lại.
Sự căng thẳng ở châu Âu một phần bùng phát do những cuộc phiêu lưu đế quốc của châu Âu, đưa Pháp đến châu Phi và Nga đến châu Á. Những hoạt động này khiến Pháp và Nga mâu thuẫn với Đế quốc Anh, và điều này loại bỏ Anh Quốc ra khỏi hệ thống liên minh châu Âu. Tuy nhiên lo sợ trước Đức, Anh đã giải quyết những khác biệt của mình với Pháp và 2 nước đạt được một sự thông hiểu thân thiện, hay entente. Khi Anh Quốc tiến tới một sự thông hiểu tương tự với Nga năm 1907, đó là nền tảng cho Triple Entente. Một cuộc đối đầu chết chóc giữa hai khối thế lực trở nên khả dĩ.
Trong những cuộc bất hòa này của châu Âu, Mĩ không có khoản đặt cược rõ ràng nào hay nghiêng về, theo lời của một nghị quyết thượng viện mang tính cảnh báo, “đi trệch khỏi chính sách ngoại giao truyền thống ngăn cấm việc tham gia vào những câu hỏi chính trị chỉ nằm trong phạm vi châu Âu”. Nhưng khi đang trên đà trở thành tổng thống, Theodore Roosevelt đã giành nhiều sự quan tâm cho những vấn đề của châu Âu và háo hức với tư cách là người đứng đầu một cường quốc được đóng góp cho sự nghiệp hòa bình. Ông đã có cơ hội để làm điều đó năm 1905.
Sự thông hiểu Anh-Pháp trong năm trước đó một phần dựa trên thỏa thuận về lãnh thổ ở Bắc Phi: Sudan thuộc về Anh còn Marốc vào tay Pháp. Sau đó Đức đột nhiên thách thức Pháp ở Marốc- một bước đi tai họa mâu thuẫn với lợi ích của Đức trong việc giữ sự chú ý của Pháp chệch khỏi châu Âu. Theo chỉ thị của Hoàng đế Wilhelm II,  Roosevelt đã tổ chức một hội nghị quốc tế vào tháng 1 năm 1906 tại Algeciras, Tây Ban Nha. Với các nhà ngoại giao Hoa Kì đóng vai trò cốt yếu, cuộc khủng hoảng đã được tháo ngòi. Đức đạt được một vài nhượng địa, nhưng Pháp vẫn duy trì được sự thống trị đối với Marốc.
Algeciras đã đánh dấu một bước ngoặt- lần đầu tiên các khối quyền lực được định sẵn để chạm trán vào năm 1914 chuẩn bị chiến đấu với nhau. Nhưng vào năm 1906, hội nghị dường như là một thắng lợi ngoại giao. Ngoại trưởng Elihu Root tự hào về thành công của Mĩ trong việc “bảo vệ hòa bình thế giới vì sức mạnh của sự độc lập của chúng ta”. Những tổ chức như Xã hội hòa bình Mĩ đã nở rộ trong Thời kì Tiến bộ. Nhưng đất nước vẫn trở nên căng thẳng khi nó tiến tới biến nguyên tắc thành hành động. Bởi vậy, người Mĩ theo đuổi phong trào quốc tế dùng giải pháp hòa bình để giải quyết những tranh chấp giữa các quốc gia. Họ nhiệt tình hoan nghênh Hội nghị Hòa bình Hague năm 1899, mà ở đó Tòa án quốc tế ra đời. Tuy nhiên, để sử dùng đến Tòa án này đòi hỏi các hiệp định song phương với các quốc gia khác vạch ra các luật lệ nền tảng của việc phân xử. Roosevelt cẩn thận phản đối tất cả các vấn đề ảnh hưởng đến “lợi ích sống còn, nền độc lập và danh dự” của Hợp chủng quốc Hoa Kì. Dẫu vậy, Thượng viện vẫn gạt đi các hiệp ước phân xử của Roosevelt. Những nỗ lực của Taft cũng có số phận tương tự.
Khi trở thành ngoại trưởng của Wilson, William Jennings Bryan đã chọn một con đường ôn hòa hơn. Là tông đồ của hòa bình thế giới, Bryan đã dùng hết sức mình để đàm phán một chuỗi các hiệp ước “giảm nhiệt” với các quốc gia khác- gọi như vậy bởi các bên đồng ý chờ đợi một năm trong khi những vấn đề tranh chấp được đưa vào tiến trình hòa giải. Mặc dù được ngưỡng mộ nhưng những hiệp định song phương này không cứu vãn được sự bùng nổ chính trị ở châu Âu. Khi căng thẳng đạt đến điểm giới hạn năm 1914, Mĩ duy trì hiệu quả việc đứng bên lề.
Nhưng tại Algeciras, Roosevelt đã tiên đoán chính xác điều mà tương lai sẽ đòi hỏi ở Mĩ. Tương tự là phóng viên Pháp Andre Tardieu, người đã nhận định vào năm 1908:
 “Mĩ là một cường quốc thế giới. Sức mạnh của Mĩ đã tạo ra cho nó một nhiệm vụ- tuyên bố tất cả những vấn đề mà cho đến nay mới được sắp xếp bằng thỏa thuận chỉ giữa các cường quốc châu Âu… Do vậy Mĩ can thiệp vào những vấn đề của toàn nhân loại… Mĩ đã ngồi vào bàn khi cuộc chơi vĩ đại diễn ra và nó không thể rời khỏi đó.”
( Người dịch: Đào Huy Kiên, dịch từ “America, a concise history”- James A.Henretta & David Brody )